15.09.2017 , theo Bệnh Viện Phổi Tỉnh Hà Giang
Trong thời gian từ ngày 6 - 8.9, Đoàn công tác của vụ SKSS Bộ Y tế và chuyên gia Nhật Bản đã có buổi làm việc với Sở Y tế về đánh giá việc triển khai Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (TDSKBM&TE).
Sáng ngày 6.9, đoàn làm việc với Sở Y tế, tham gia buổi làm việc có Bs Đặng Văn Huynh - PGĐ Sở Y tế; lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y, lãnh đạo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Về phía Đoàn công tác có: Chuyên viên Đỗ Thu Thủy - Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế; bà Akemi Bando - Cố vấn kỹ thuật Quỹ Phúc lợi Nhật Bản cùng các thành viên trong Đoàn.
Tại buổi làm việc, Sở Y tế cùng trao đổi với Đoàn công tác về kết quả và những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong việc triển khai Sổ TDSKBM&TE. Năm 2010 được sự viện trợ về tài chính của Quỹ TOYOTA Nhật Bản và sự hỗ trợ về kỹ thuật của bà AKEMIBANDO thuộc trường Đại học Osaka - Nhật Bản, tỉnh Hà Giang đã triển khai việc thực hiện sử dụng cuốn Sổ TDSKBM&TE trên địa bàn toàn tỉnh. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, từ cuối năm 2016 Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai Sổ TDSKBM&TE trong khuôn khổ "Dự án phát triển nông thôn dựa vào kết quả" từ cuối năm 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; tổ chức Hội nghị khởi động Sổ TDSKBM&TE; tổ chức 11/11 lớp tập huấn với tổng số 244 học viên về "Hướng dẫn sử dụng Sổ TDSKBM&TE" cho cán bộ tuyến huyện, xã và 01 lớp cho nhân viên y tế thôn bản; phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em Bộ Y tế chỉnh sửa, hoàn thiện và in ấn 17.500 cuốn Sổ TDSKBM&TE cấp phát cho 11/11 huyện, thành phố... Sau buổi làm việc Đoàn đã thăm quan và làm việc tại khoa Sản, Bệnh viên đa khoa tỉnh.
Trong ngày 7 – 8/9 Đoàn tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại khoa sản Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc, Trạm Y tế xã Khâu vai, Lũng Pù huyện Mèo Vạc.
Kết thúc chuyến thăm và làm việc, Đoàn công tác đã đánh giá cao công tác triển khai sổ TDSKBM&TE tại tỉnh ta được đồng bộ, nghiêm túc; cán bộ y tế nhận thức tốt về việc triển khai Sổ TDSKBM&TE, tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế như: Điều kiện tiếp xúc của người dân với các dịch vụ y tế còn nhiều khó khăn, kinh phí còn hạn hẹp... đặc biệt là một bộ phận người dân có trình độ dân trí thấp nên việc ghi chép Sổ TDSKBM&TE chưa đầy đủ, do đó cần thực hiện tốt công tác truyền thông để người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng Sổ TDSKBM&TE và tự nguyện sử dụng Sổ TDSKBM&TE từ khi bắt đầu mang thai...